Các loại thuốc mỡ kháng sinh bôi vết thương hở ngoài da
Ngày cập nhật
BS.CKI TRƯƠNG VĨNH THÁI
Đã kiểm duyệt ngày 07/03/2024
Chuyên khoa: Đa khoa-Nội tổng quát-Thận tiết niệu
1. Thuốc mỡ kháng sinh là gì?
Thuốc mỡ là những chế phẩm mềm, có độ nhớt và chứa các thành phần hoạt chất hòa tan hoặc phân tán lơ lửng, hoạt động theo cơ chế thẩm thấu sâu vào da, làm mềm nhưng có thể gây bít tắc. Thuốc mỡ có thể chứa nhiều thành phần hoạt chất trong đó, nếu chứa kháng sinh thì được gọi là thuốc mỡ kháng sinh và có tác dụng chống lại tác nhân gây nhiễm khuẩn, thường dùng trong điều trị nhiễm khuẩn da và mô mềm.
Một số thuốc mỡ kháng sinh có chứa các chất làm lành vết thương, đẩy nhanh quá trình tái tạo mô, giúp vết thương mau lành. Thuốc kháng sinh trị vết thương hở chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ nơi vùng da có tổn thương và nghi ngờ có nhiễm trùng.
2. Thuốc mỡ kháng sinh hoạt động theo cơ chế nào?
Thuốc kháng sinh bôi ngoài da chứa những tá dược giúp thuốc thấm được vào nơi tổn thương đang nhiễm khuẩn giúp hạn chế tình trạng nhiễm khuẩn và thúc đẩy quá trình tạo mô mới. Tá dược chính của các loại thuốc mỡ thường là các chất béo như vaseline hoặc lanolin. Tác dụng chính của những loại thuốc mỡ này là tăng khả năng hấp thu của da, vì vậy các hoạt chất sẽ ngấm sâu hơn.
Tuy nhiên, thuốc mỡ có khả năng làm mềm da nhưng lại làm trở ngại sự bài tiết của da, gây bít tắc, xung huyết, có thể ảnh hưởng tới tuần hoàn da, gây giãn mạch hoặc co mạch.
Và tùy theo tá dược, thuốc sẽ ngấm vào da nhiều hay ít, ngấm nông hay sâu.
3. Công dụng thuốc mỡ kháng sinh bôi ngoài da
Thuốc mỡ kháng sinh được sử dụng để ngăn chặn nhiễm trùng nông ngoài da có thể gây ra bởi các vết cắt nhỏ, vết xước, hoặc bỏng.
Ngoài ra, thuốc mỡ kháng sinh còn có tác dụng rất tốt trong việc dự phòng nhiễm ở các vết thương ngoài da, điều trị một số bệnh về mắt như: nổi chắp, viêm kết mạc cấp (đau mắt đỏ) và mạn tính, loét giác mạc, viêm giác mạc, viêm túi lệ…
4. Vậy khi nào chúng ta nên sử dụng thuốc mỡ kháng sinh?
Thuốc mỡ kháng sinh thuộc nhóm thuốc kê đơn, chỉ được chỉ định khi cần thiết. Trường hợp người bệnh chỉ có vết trầy xước hoặc viêm nang lông nhẹ thường không cần điều trị với kháng sinh tại chỗ mà chỉ cần vệ sinh, dùng thuốc sát trùng tại chỗ và che phủ tốt cho các vùng da tổn thương. Kê đơn thuốc mỡ kháng sinh được xem là lựa chọn thứ hai nếu các biện pháp vệ sinh da là chưa đủ.
5. Cách sử dụng thuốc mỡ kháng sinh bôi ngoài da
- Bạn cần rửa tay thật sạch trước khi sử dụng thuốc
- Vệ sinh sạch sẽ vết thương với nước sạch, nước muối hoặc dung dịch sát khuẩn
- Thoa nhẹ nhàng một lượng thuốc vừa đủ lên vết thương và vùng da xung quanh, chú ý không bôi thuốc khi vết thương đang trong giai đoạn cấp hoặc đang chảy nước
- Tần suất bôi từ 2 - 4 lần/ngày hoặc theo chỉ định của bác sĩ
- Có thể để vết thương thông thoáng hoặc che lại bằng gạc vô trùng nhưng chú ý không băng gạt quá chặt sẽ làm vết thương lâu lành
- Rửa tay sạch sau khi dùng thuốc mỡ bôi ngoài da
6. Hướng dẫn cách dùng thuốc mỡ kháng sinh hiệu quả
Để phát huy công dụng hiệu quả, thuốc bôi khi sử dụng phải phù hợp với vùng da tổn thương, mức độ bệnh, giai đoạn bệnh, tính chất bệnh lý, tính chất công việc, giới tính, độ tuổi…
Tuyệt đối không nên bôi thuốc trong thời gian dài. Đồng thời, để việc đánh giá kết quả diễn ra dễ dàng hơn, bạn không nên thay thuốc liên tục. Không bôi lên vùng da cần điều trị cùng lúc nhiều loại thuốc mỡ khác.
7. Tác dụng phụ của thuốc mỡ kháng sinh
Các loại thuốc mỡ kháng sinh chứa Neomycin, Bacitracin, Polymyxin có thể gây ra tình trạng viêm da tiếp xúc. Do đó bạn nên tránh dùng kéo dài những loại thuốc kể trên nếu tìm ra thuốc khách thích hợp hơn để thay thế.
Một số trường hợp dị ứng nặng đã được ghi nhận như hội chứng Lyell và hội chứng Stevens - Johnson có thể do thuốc mỡ kháng sinh tác động tại chỗ.
8. Một số lưu ý khi dùng thuốc mỡ kháng sinh
- Thận trọng khi sử dụng thuốc cho trẻ em hoặc khi bôi trên một vùng da rộng.
- Chỉ sử dụng thuốc mỡ kháng sinh trong các trường hợp tổn thương nông và ít nguy hiểm. Trường hợp da bị tổn thương trên diện rộng hoặc có nhiễm trùng da nghiêm trọng thì phải đến cơ sở y tế để xử trí.
- Không để thuốc mỡ tiếp xúc với mắt, mũi, miệng hoặc các vùng da niêm mạc khác. Nếu có, hãy lau sạch thuốc và rửa lại với nước sạch.
- Không sử dụng thuốc trong thời gian dài và đổi nhiều loại thuốc trong thời gian ngắn. Đánh giá hiệu quả điều trị thuốc mỡ kháng sinh bôi ngoài da sau 10 - 15 ngày.
- Phụ nữ có thai và cho con bú: Chỉ nên dùng thuốc nếu lợi ích vượt trội so với nguy cơ.
9. Top các thuốc mỡ kháng sinh bôi vết thương hở ngoài da
9.1 Thuốc mỡ kháng sinh Acid Fusidic 2%
Thuốc mỡ kháng sinh acid fusidic với thành phần chính là Acid Fusidic 2% có tác dụng trong điều trị các chứng như chốc, viêm da tiết bã nhờn, viêm da tiếp xúc, viêm da dị ứng, vết thương nông, mụn nhọt, vết thương do chấn thương hoặc sau phẫu thuật, vết bỏng, viêm quanh móng.
Liều dùng: Vệ sinh sạch sẽ vị trí cần bôi, bôi một lớp mỏng 3 - 4 lần/ngày.
Chú ý: Cần tuân thủ điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ về liều lượng và thời gian dùng thuốc. Thông thường quá trình điều trị kéo dài khoảng 7 - 10 ngày.
Chống chỉ định và một số lưu ý nhỏ:
- Không được dùng thuốc Acid Fusidic trong trường hợp nhiễm khuẩn da do virus, lao và nấm, viêm da quanh miệng và tình trạng loét da.
- Thuốc có tác dụng đối kháng với Ciprofloxacin, tương tác với Penicillin, paracetamol liều cao sẽ gây độc với gan.
9.2 Thuốc mỡ kháng sinh bôi vết thương hở Mupirocin 2%
Thành phần chính của thuốc là mupirocin 2% điều trị tại chỗ các vết thương nhiễm khuẩn thứ phát, vết bỏng, viêm mô tế bào, vết loét chân mãn tính, loét tĩnh mạch rỉ dịch...
Thuốc có thể dùng để dự phòng nhiễm khuẩn vị trí rút ống catheter và dự phòng nhiễm khuẩn sau phẫu thuật da.
Liều dùng: Bôi ngoài da 3 - 4 lần/ngày trong khoảng 7 - 14 ngày.
Một số lưu ý khi dùng thuốc:
- Nếu bị tiêu chảy nặng hoặc kéo dài do đau quặn bụng thì ngưng thuốc và đi khám để phòng ngừa viêm ruột kết màng giả.
- Vết thương hở nên được băng lại cẩn thận hạn chế tiếp xúc với nước.
- Bôi thuốc để điều trị nứt núm vú thì rửa sạch với nước trước khi cho con bú.
9.3 Thuốc bôi ngoài da Erythromycin 4%
Hoạt chất Erythromycin 4% được chỉ định trong điều trị mụn nhọt, trứng cá đặc biệt là dạng mưng đỏ có mủ, vết thương, vết bỏng đang lên da non.
Liều dùng: Vệ sinh sạch sẽ vùng da, bôi thuốc 1 - 2 lần/ngày. Có thể dùng dài ngày (1 - 2 tháng) để phòng bệnh trứng cá tái phát.
Tips để tăng hiệu quả của thuốc:
- Sử dụng kết hợp sữa rửa mặt, serum có thành phần BHA, thảo dược điều trị ngăn ngừa mụn (Dược mỹ phẩm) và đặc biệt là dưỡng ẩm
- Hạn chế đưa tay lên mặt hoặc vị trí cần điều trị
- Bổ sung 2.5 lít nước mỗi ngày
- Ăn nhiều chất xơ, uống nước cam, vitamin c hằng ngày
9.4 Thuốc kháng sinh bôi da Tetracyclin 1%
Thuốc Tetracyclin hydrodorid 1% được dùng để điều trị các nhiễm khuẩn bề mặt nhãn cầu như viêm kết mạc mắt, đau mắt hột ở vùng dịch, dự phòng viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh do Neisseria gonorrhoeae hoặc Chlamydia trachomatis.
Liều dùng:
Đối với nhiễm khuẩn bề mặt nhãn cầu:
- Nên tra thuốc mỡ 3 - 4 lần/ngày đối với người lớn và trẻ em trên 8 tuổi
- Dự phòng viêm kết mạc mắt ở trẻ sơ sinh: sau khi sinh, lau sạch mắt cho trẻ bằng gạc tiệt khuẩn rồi tra thuốc mỡ vào từng mắt 1 lần duy nhất, nhắm mắt và xoa nhẹ để giúp mỡ trải rộng
Đối với bệnh mắt hột:
- Điều trị ngắt quãng: Tra thuốc mỡ vào từng mắt hai lần mỗi ngày trong 5 ngày hoặc 1 lần mỗi ngày trong 10 ngày. Tra thuốc liên tục như vậy trong 6 tháng liền
- Điều trị tăng cường liên tục: Tra thuốc mỡ vào từng mắt, hai lần mỗi ngày trong ít nhất 6 tuần
Một số lưu ý khi dùng thuốc
- Răng trẻ kém phát triển và biến màu khi sử dụng thuốc cho phụ nữ mang thai hoặc trẻ dưới 8 tuổi
- Sử dụng Tetracyclin có nguy cơ tăng nhạy cảm dẫn đến tăng tính kháng thuốc của vi khuẩn, vậy nên sử dụng thuốc để điều trị giới hạn các nhiễm khuẩn do chủng vi khuẩn nhạy cảm cao và bệnh mắt hột
- Không nên dùng thuốc sau khi mở nắp tuýp quá 1 tháng
- Không dùng thuốc tra mắt cho nhiều người cùng lúc
- Nếu cần đi ra ngoài thì hãy che chắn kĩ, phòng ngừa tình trạng ngứa hoặc rát da
9.5 Thuốc mỡ kháng sinh bôi ngoài da Neosporin
Thành phần:
- Bacitracin Zinc: 400 đơn vị
- Neomycin: 3.5mg
- Polymyxin B: 10.000 đơn vị
- Pramoxine HCl: 10mg
Chỉ định
- Dùng trong sơ cứu tại chỗ những vết thương nhỏ, vết xước trên da.
- Có khả năng làm giảm đau do bỏng bởi bất cứ nguyên nhân nào.
- Giúp làm giảm ngứa, sưng viêm ở những vùng trên da bị côn trùng cắn.
- Hỗ trợ điều trị sẹo, giảm thiểu tối đa việc hình thành sẹo trên da.
Liều dùng: Bôi lên vùng da bị tổn thương từ 2 - 3 lần/ngày
Cách dùng:
- Vệ sinh tay sạch sẽ để tránh nhiễm trùng. Đồng thời cũng làm sạch vùng da bị tổn thương, để vết thương khô thoáng trước khi bôi thuốc
- Lấy một lượng thuốc vừa đủ rồi thoa lên bề mặt vết thương, tránh thoa thuốc quá nhiều
- Rửa tay sạch sau khi dùng thuốc xong
Lưu ý nhỏ khi dùng thuốc:
- Không dùng cho những vết thương sâu, vị trí bị động vật cắn hoặc trường hợp bị bỏng mức độ nặng
- Bạn có thể dùng băng gạc để bảo vệ vết thương tốt hơn. Bên cạnh đó, cần vệ sinh trước khi thoa thuốc và thay băng gạc mới sau mỗi lần thoa thuốc
- Không dùng thuốc cho bé dưới 2 tuổi
9.6 Thuốc mỡ kháng sinh bôi da Clindamycin 1%
Với thành phần Clindamycin 1% chỉ định trong các trường hợp giảm ngứa, giảm viêm nhiễm phụ khoa.
Liều dùng: Lấy một lượng thuốc vừa đủ bôi 2 lần/ngày
Chống chỉ định và một số lưu ý khi dùng thuốc:
- Chống chỉ định ở người viêm đại tràng giả mạc, viêm ruột non
- Vệ sinh vùng kín đúng cách để đạt hiệu quả tốt
- Kết hợp chế độ dinh dưỡng, uống nhiều nước
- Khi sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục, các thành phần chứa trong thuốc có thể khiến màng bao dễ tan chảy và làm giảm hiệu quả bảo vệ của bao cao su (kiêng quan hệ tình dục)
- Không sử dụng thuốc trong thời gian dài và thay đổi liên tục các loại thuốc khác nhau. Điều trị trong khoảng 10 - 15 ngày
Thuốc mỡ kháng sinh bôi ngoài da có những thành phần khác nhau phù hợp với từng tình trạng bệnh khác nhau. Chúng ta cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tuân thủ liều điều trị để đạt kết quả an toàn và hiệu quả.
Đánh giá bài viết này
(5 lượt đánh giá).Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm