lcp

Cách dùng thuốc bôi kháng sinh trị mụn nhọt ở mông

4.7

Ngày cập nhật

Chia sẻ:

doctor avatar

BS.CKI TRƯƠNG VĨNH THÁI

Đã kiểm duyệt ngày 07/03/2024

Chuyên khoa: Đa khoa-Nội tổng quát-Thận tiết niệu

Mụn nhọt ở mông không chỉ gây đau đớn mà còn tạo cảm giác khó chịu cho người bệnh. Một trong những phương pháp điều trị hiệu quả là sử dụng thuốc kháng sinh. Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn cách sử dụng thuốc kháng sinh một cách an toàn và hiệu quả để điều trị mụn nhọt ở mông. Hãy cùng tìm hiểu về các loại thuốc kháng sinh phổ biến, cách sử dụng chúng, và những lưu ý quan trọng khi sử dụng chúng.

1. Hiểu về mụn nhọt ở mông

Nhọt (Furuncle) là tình trạng viêm cấp tính gây hoại tử nang lông và tổ chức xung quanh. Bệnh thường gặp về mùa hè, nam nhiều hơn nữ. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh, tuy nhiên bệnh thường gặp hơn ở trẻ em. 

1.1 Nguyên nhân gây mụn nhọt ở mông

  • Nguyên nhân gây bệnh là tụ cầu vàng (S. aureus). Bình thường vi khuẩn này sống ký sinh trên da nhất là các nang lông ở các nếp gấp như rãnh liên mông…. Khi các nang lông bị tổn thương kết hợp với những điều kiện thuận lợi như tình trạng miễn dịch kém, suy dinh dưỡng, người bệnh mắc bệnh tiểu đường… vi khuẩn phát triển và gây bệnh.
  • Mông là vùng da được che chắn khá kín trên cơ thể, vì vậy khi da mông tiết mồ hôi sẽ tồn đọng lại, các tế bào chết và bụi bẩn tích tụ trên da không thoát ra được có thể dẫn đến bí tắc lỗ chân lông, đây chính là điều kiện thuận lợi để mụn nhọt ở mông phát triển. Đặc biệt, da ở vùng mông thường xuyên bị cọ xát với quần áo bó sát, từ đó gây tổn thương và hình thành nhọt.
  • Mắc các bệnh về da: Một số bệnh như viêm nang lông, dày sừng nang lông (những nốt sần sùi, thô ráp nhỏ trên mông), áp xe da (mụn nhọt lớn, đau và mọc thành từng cụm)... là những nguyên nhân khiến da vùng mông dễ bị mụn nhọt. Trong đó nguyên nhân mụn nhọt ở mông chủ yếu nhất là viêm nang lông, khi những lỗ chân lông bị kích ứng sẽ trở nên đỏ và sưng, đôi khi có đầu trắng kèm theo đau hoặc ngứa. Viêm nang lông không chỉ gây mụn nhọt ở mông mà còn có thể gây mụn ở bất kỳ vùng nào trên cơ thể. Viêm nang lông có thể là do quần áo ma sát lên da, chất liệu của quần áo như nilon hay polyester gây tích tụ mồ hôi.
  • Do thay đổi nội tiết tố: Nữ giới là đối tượng dễ bị nhọt ở mông nhiều hơn so với nam giới do nội tiết tố ở nữ giới dễ bị thay đổi liên tục trong chu kỳ kinh nguyệt hoặc trong giai đoạn mang thai. Làn da ở vùng mông tương đối dày, vì vậy khi nội tiết tố biến động sẽ làm cho tuyến dầu tại đây hoạt động mạnh hơn, lỗ chân lông bị quá tải hình thành mụn.
  • Do thói quen ăn uống: Thói quen ăn thức ăn cay nóng, thực phẩm nhiều chất bảo quản khiến chức năng gan suy giảm, dẫn đến việc đào thải độc tố ra ngoài kém hơn, điều này có thể gây ra tình trạng mụn nhọt ở mông. Mặt khác, việc tiêu thụ quá nhiều đường, tinh bột hoặc sữa sẽ làm tăng nguy cơ bị mụn nhọt ở mông.
  • Vệ sinh vùng da mông không sạch sẽ: Mặc quần áo ướt hay dính mồ hôi hay không thay quần lót thường xuyên... này sẽ khiến lỗ chân lông tại vùng da mông bị bít tắc do các chất bẩn và mồ hôi, từ đó gây ra mụn nhọt ở mông.
  • Do thao tác tẩy lông, cạo lông: Tẩy lông và cạo lông không đúng cách sẽ khiến da bị tổn thương dẫn đến viêm nhiễm rồi sinh ra mụn nhọt.
  • Do áp lực tác động lên mông: Vùng mông là vùng da thường xuyên bị tì đè do ngồi lâu cũng là nguyên nhân mụn nhọt ở mông.
  • Áp lực: Căng thẳng (stress) rất dễ khiến cơ thể bị rối loạn ở một số chức năng, thậm chí là mất ngủ, điều đó rất dễ gây nổi mụn ở bất kỳ đâu, không ngoại trừ ở mông.

1.2 Triệu chứng mụn nhọt ở mông

Biểu hiện ban đầu là mụn nhỏ, màu đỏ ở nang lông sưng nề, chắc, tấy đỏ. Sau 2 ngày đến 3 ngày, tổn thương lan rộng hóa mủ tạo thành ổ áp xe ở giữa hình thành ngòi mủ.

thuốc kháng sinh điều trị mụn nhọt ở mông

Khi mụn nhọt ở mông mới xuất hiện sẽ trông rất giống với mụn trứng cá, thường có nhân và mụn trắng bên trong, nếu vô tình tác động mạnh thì mụn nhọt sẽ vỡ ra, gây tấy đỏ, thường có mủ và cảm giác ngứa rát rất khó chịu. Nếu không được xử lý sớm, vết mụn nhọt này sẽ bị chai cứng, thâm đen, gây đau nhức và gây mất thẩm mỹ.

2. Cách dùng thuốc kháng sinh điều trị mụn nhọt ở mông

Vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên tránh tự lây nhiễm ra các vùng da khác bằng xà phòng Lifebuoy, Septivon…

Ở giai đoạn sớm chưa có mủ: Tránh nặn, kích thích vào tổn thương.

Thuốc kháng sinh bôi tại chỗ: Bôi thuốc lên tổn thương sau khi sát khuẩn, thời gian điều trị từ 7-10 ngày. Dùng một trong các thuốc sau:

2.1  Kem trị mụn nhọt ở mông acid fusidic 2%

Acid fusidic là kháng sinh cấu trúc steroid thuộc nhóm fusidanin, có tác dụng kìm khuẩn và diệt khuẩn, chủ yếu tác dụng lên vi khuẩn Gram dương. Acid fusidic ức chế vi khuẩn tổng hợp protein thông qua ức chế một yếu tố cần thiết cho sự chuyển đoạn của các đơn vị phụ peptid và sự kéo dài chuỗi peptid.  Acid fusidic tác dụng tốt trên các chủng Staphylococcus, đặc biệt là S. aureus. Do đó, thuốc được chỉ định điều trị các nhiễm khuẩn ở da do tụ cầu, liên cầu, đặc biệt là mụn ở mông, nhất là khi đã lên đinh, lên nhọt.

Kem trị mụn nhọt ở mông Acid fusidic 2%

Liều lượng và cách dùng:

  • Thoa thuốc lên vùng da bị thương tổn 2 - 3 lần/ngày, thường dùng 7 ngày.
  • Sau mỗi lần sử dụng thuốc phải đậy kín nắp tuýp. 
  • Chỉ nên sử dụng thuốc trong 30 ngày sau khi mở nắp tuýp.

Lưu ý: Tránh dùng thuốc cho phụ nữ có thai và phụ nữ đang cho con bú.

2.2 Thuốc bôi trị mụn nhọt ở mông Neciomex

Thuốc bôi trị mụn nhọt ở mông Neciomex

Thuốc bôi Neciomex trị mụn nhọt ở mông bao gồm hai thành phần chính, đó là:

  • Neomycin là kháng sinh nhóm aminoglycosid  tác dụng tốt Staphylococcus aureus. Hoạt chất này có tác dụng diệt khuẩn bằng cách ức chế quá trình sinh tổng hợp protein của vi khuẩn.
  • Triamcinolon là glucocorticoid tổng hợp có fluor có tác dụng chống viêm, làm cho vết mụn nhọt giảm bớt tình trạng viêm, sưng đỏ, đau.

Cách dùng- Liều dùng: 

  • Bôi một lớp mỏng thuốc lên vùng da bị bệnh 2-3 lần mỗi ngày.
  • Không điều trị liên tục quá 8 ngày
  • Tránh băng kín vết thương, bôi lên diện rộng hoặc bôi thành lớp dày.

Chống chỉ định khi dùng Neciomex

  • Mẫn cảm với một trong những thành phần của thuốc.
  • Trẻ em dưới 1 tuổi
  • Nhiễm nấm toàn thân
  • Phụ nữ có thai

Lưu ý: Phụ đang cho con bú cần cân nhắc khi dùng thuốc. Do thành phần Triamcinolone có trong thuốc bài tiết qua sữa, cần theo dõi các dấu hiệu suy thượng thận của trẻ nhỏ. Người mẹ dùng Triamcinolon cần được ghi chép lại để giúp cho chỉ định thuốc của trẻ sau này.

2.3. Kem Silver sulfadiazin 1% trị mụn nhọt ở mông

Kem Silver sulfadiazin 1% trị mụn nhọt ở mông

Sulfadiazine Bạc chỉ tác dụng lên vách tế bào tạo nên tác dụng sát khuẩn của thuốc. Bạc được phóng thích dần dần từ chế phẩm ở nồng độ độc chọn lọc đối với vi khuẩn, cả hai thành phần trong phức hợp đều có hoạt tính. Sulfadiazin Bạc là một chất sát khuẩn đối với nhiều loại vi khuẩn Gram âm lẫn Gram dương và đã được chứng minh là có hiệu lực đối với Staphylococcus aureus.

Cách dùng: Bôi thuốc từ 1-2 lần/ ngày vào vết mụn nhọt. Thời gian điều trị từ 7-10 ngày.

Chống chỉ định:

  • Trẻ sơ sinh
  • Đối tượng có bệnh lý nền như suy gan, suy thận
  • Phụ nữ gần đến ngày sinh nở
  • Phụ nữ đang cho con bú

2.4 Mỡ Skinrocin trị mụn nhọt ở mông

Mỡ Skinrocin trị mụn nhọt ở mông

Thuốc mỡ bôi da Skinrocin có chứa hoạt chất chính là mupirocin 2%- là sản phẩm lên men của Pseudomonas fluorescens. Sau khi bôi lên da, thuốc đạt nồng độ diệt khuẩn tại da và có tác dụng đối với Staphylococcus aureus, vì vậy được dùng để điều trị mụn nhọt trên mông.

Cách dùng-Liều dùng:

  • Rửa sạch vùng cần bôi thuốc với nước sạch, làm khô, sau đó bôi một lượng nhỏ thuốc và xoa nhẹ nhàng, đảm bảo thuốc phủ đều vùng da cần điều trị.
  • Người lớn (bao gồm cả người già, người chức năng gan kém): Bôi 3 lần mỗi ngày, dùng đến 10 ngày.

Lưu ý: 

  • Không dùng kèm hoặc trộn SKINROCIN với bất cứ chế phẩm bôi ngoài da nào khác vì có thể làm giảm hoạt tính kháng khuẩn và mất ổn định của Mupirocin trong thuốc mỡ.
  • Không được để thuốc tiếp xúc với mắt, nếu vô tình để thuốc dính lên mắt, cần rửa mắt dưới dòng nước sạch và theo dõi nếu có phản ứng bất thường.
  • Chỉ dùng mupirocin cho phụ nữ mang thai khi thực sự cần thiết.
  • Phụ nữ đang cho con bú cần tạm thời ngừng cho con bú trong khi dùng thuốc

2.5 Gel bôi trị mụn nhọt Ecingel

Gel bôi trị mụn nhọt Ecingel

Gel bôi trị mụn nhọt Ecingel có chứa hoạt chất chính là Erythromycin base 400mg-  Là kháng sinh kìm khuẩn với cơ chế hoạt động là giúp ức chế sự tổng hợp protein của vi khuẩn. Do đó , giúp điều trị và làm chậm sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, làm giảm viêm da và giảm sưng đỏ, giúp nốt mụn đỡ sưng và đau hơn.

Cách dùng- Liều dùng: Bôi một lớp mỏng thuốc lên vùng da bị mụn đã được rửa sạch từ 1-2 lần/ngày trong khoảng 7-10 ngày

Lưu ý: Phụ nữ có thai và phụ nữ đang cho con bú cần thận trọng khi dùng thuốc.

2.6 Gel trị mụn nhọt Azaroin

Gel trị mụn nhọt Azaroin

Gel trị mụn viêm Azaroin có chứa hoạt chất chính là Clindamycin 1%- là kháng sinh thuộc nhóm lincosamid. Tác dụng của clindamycin là liên kết với tiểu phần 50S của ribosom, do đó ức chế tổng hợp protein của vi khuẩn và có tác dụng đối với Staphylococcus aureus, vì vậy được dùng để điều trị mụn nhọt trên mông.

Cách dùng: Bôi thuốc lên vết mụn từ 1-2 lần/ngày. Thời gian điều trị từ 7-10 ngày.

Lưu ý: không được dùng thuốc cho phụ nữ trong thời kỳ có thai và cho con bú.

3. Lưu ý khi sử dụng thuốc kháng sinh trị mụn nhọt ở mông

  • Trước khi dùng thuốc cần rửa tay thật sạch và sát khuẩn vết mụn trên mông cũng như vùng da xung quanh một cách sạch sẽ.
  • Bạn có thể sử dụng các dung dịch sát khuẩn để sát khuẩn ngày 2- 4 lần trong thời gian 10 -15 ngày. Có thể dùng một trong các dung dịch sát khuẩn sau: Povidone-iodine 10%.Hexamidine 0,1%.Chlorhexidine 4%
  • Trong quá trình chữa mụn nhọt ở mông, bạn cũng cần nắm rõ một số nguyên tắc trong ăn uống và sinh hoạt như:
  • Tránh xa các thức ăn nhiều dầu mỡ, đường và các thức ăn chứa đường ( bánh kẹo, nước ngọt), đồ cay nóng.Bởi vì chúng có thể thúc đẩy phản ứng viêm tại mụn, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và khiến cho vết mụn của bạn lâu lành hơn.
  • Những chất kích thích như bia, rượu, trà, cà phê người bị mụn nhọt ở mông cũng không sử dụng
  • Không được dùng tay sờ, xoa hay lấy kim chích nặn cục mụn nhọt gây nguy cơ bị nhiễm trùng máu rất cao.
  • Ngoài ra bạn có thể cần uống thuốc kháng sinh để trị mụn nhọt ở mông, nhất là khi có biểu hiện sốt hoặc nhiễm khuẩn. Tuy nhiên phải sự kê đơn của bác sĩ mới được dùng thuốc.
  • Cằn tắm rửa và thay quần áo thường xuyên, nhất là sau khi lao động ở nơi bụi bẩn hoặc những hôm thời tiết nóng nực. Mặc quần rộng rãi để không kì cọ vào làm bể nốt mụn.
  • Xử lý đúng cách khi mụn nhọt bị vỡ: Bạn rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn rồi dùng khăn giấy sạch chấm nhẹ lên nốt mụn để thấm hết dịch, máu mủ bên trong mụn chảy ra. Sau đó dán băng gạc đậy vết mụn lại để chống bụi bẩn, vi khuẩn xâm nhập vào bên trong và nhanh chóng tới bệnh viện nhờ bác sĩ giúp đỡ.

Medigo hy vọng rằng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về các thuốc kháng sinh dạng bôi dùng để điều trị tình trạng mụn nhọt ở mông. Nếu có bất kì thắc mắc gì, bạn đừng ngần ngại liên hệ với Medigo app nhé!

Đánh giá bài viết này

(9 lượt đánh giá).
4.7
1 star2 star3 star4 star5 star

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm