Phác đồ điều trị Giang mai của Bộ Y Tế
Ngày cập nhật
BS.CKI TRƯƠNG VĨNH THÁI
Đã kiểm duyệt ngày 07/03/2024
Chuyên khoa: Đa khoa-Nội tổng quát-Thận tiết niệu
1. Đại cương về bệnh giang mai
Bệnh giang mai là bệnh lây truyền từ người sang người qua đường tình dục do xoắn khuẩn giang mai (Treponema pallidum) gây nên. Bệnh có thể gây tổn thương ở da, niêm mạc, nếu không được điều trị có thể gây tổn thương các tổ chức và cơ quan khác của cơ thể như cơ, xương, khớp, tim mạch và thần kinh.
Xoắn khuẩn giang mai rất yếu, ở ngoài cơ thể chỉ sống được vài giờ. Nhiệt độ thích hợp cho xoắn khuẩn phát triển là 37oC. Xà phòng và các chất sát khuẩn có thể diệt được xoắn khuẩn trong vài phút. Xoắn khuẩn xâm nhập vào cơ thể người lành qua quan hệ tình dục đường âm đạo, đường hậu môn hoặc đường miệng. Bệnh cũng có thể lây gián tiếp qua các đồ dùng, vật dụng bị nhiễm xoắn khuẩn hoặc lây qua các vết xước trên da, niêm mạc. Ngoài ra, bệnh có thể lây truyền qua đường máu hoặc từ mẹ bị giang mai sang con trong thời kỳ mang thai. Xem chi tiết cách thức và con đường lây truyền bệnh giang mai TẠI ĐÂY.
2. Chẩn đoán bệnh giang mai
2.1. Các giai đoạn của giang mai
Bệnh giang mai nếu không được chẩn đoán và điều trị có thể tồn tại rất nhiều năm và được chia làm 2 giai đoạn: giang mai sớm và giang mai muộn.
Giang mai sớm, gồm:
- Giang mai thời kỳ I (primary syphilis)
- Giang mai thời kỳ II (secondary syphilis)
- Giang mai kín sớm: giang mai kín (không có biểu hiện lâm sàng) và thời gian mắc £ 2 năm.
Giang mai muộn, gồm:
- Giang mai kín muộn: giang mai kín (không có biểu hiện lâm sàng) và thời gian mắc > 2 năm
- Giang mai thời kỳ III (có tổn thương ăn sâu vào tổ chức da, niêm mạc, tim mạch, thần kinh).
2.2. Triệu chứng lâm sàng
Giang mai mắc phải
Giai đoạn | Mô tả | Triệu chứng |
Giang mai nguyên phát | Truyền nhiễm | Săng giang mai (charce): Loét da nhỏ, khi cọ sát có thể tiết dịch chứa nhiều xoắn khuẩn giang mai, xuất hiện và lành sau 3 đến 12 tuần ở các vùng:
Hạch bạch huyết vùng |
Giang mai thứ phát | Truyền nhiễm Xảy ra sau vài tuần đến vài tháng sau giai đoạn nguyên phát. Xoắn khuẩn giang mai lúc này đã lan truyền trong máu, gây nên các triệu chứng ở da niêm lan rộng, kèm những tổn thương ở cơ quan khác. |
Dát hồng ban (đào ban): Cần phân biệt với những dạng hồng ban khác. Săn giang mai: sẩn ướt, sẩn dạng vảy nến Viêm hạch nhỏ lan tỏa Rụng tóc kiểu “rừng thưa” Sốt Đau đầu (gợi ý tình trạng viêm màng não) Giảm thính lực (gợi ý tình trạng viêm tai giữa) Viêm da giang mai (có tính chất đối xứng, không gây ngứa hay đau) |
Âm thầm | Không có triệu chứng, không lây nhiễm. Có thể kéo dài không xác định thời gian hoặc sẽ theo sau bởi giang mai giai đoạn cuối. | Giang mai tiềm tàng giai đoạn đầu (thời gian nhiễm bệnh < 1 năm), đôi khi có tái phát tổn thương do nhiễm trùng
Giang mai tiềm tàng muộn (≥ 1 năm), hiếm xảy ra tái phát
Tuy không xuất hiện triệu chứng, tuy nhiên xét nghiệm huyết thanh và kháng thể dương tính |
Giai đoạn muộn hoặc lan tỏa | Triệu chứng; không truyền nhiễm | Giang mai tiền liệt lành tính Giang mai tim mạch Thoái hoá ở hệ thần kinh trung ương: Giang mai mạch máu nhỏ, liệt nhẹ, bệnh Tabes…
|
Giang mai bẩm sinh
Giang mai bẩm sinh được xác định khi:
- Sảy thai, thai chết lưu hoặc trẻ được sinh ra từ tuần thứ 20 của thai kỳ trở đi hoặc cân nặng trên 500 gam (tương đương tuổi thai 20 tuần trở lên), có mẹ xét nghiệm huyết thanh giang mai dương tính và không được điều trị đúng, đủ;
- Trẻ sinh ra dưới 2 tuổi, có triệu chứng lâm sàng của giang mai bẩm sinh hoặc có xét nghiệm giang mai dương tính (xem phần chẩn đoán giang mai bẩm sinh).
Biểu hiện thường gặp nhất của giang mai bẩm sinh là thai lưu hoặc đẻ non ở 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ. Vì vậy, tất cả các bà mẹ bị thai lưu cần làm xét nghiệm huyết thanh giang mai. Ở hầu hết các quốc gia, đa số giang mai bẩm sinh gây hậu quả thai chết lưu và những trường hợp này thường bỏ sót nguyên nhân thai chết lưu do giang mai.
Trẻ em được sinh ra từ những bà mẹ có xét nghiệm huyết thanh giang mai dương tính cần được khám, phát hiện những dấu hiệu, triệu chứng của giang mai bẩm sinh sớm bao gồm: bọng nước, viêm mũi, viêm thanh quản, hạch, gan lách to, viêm xương sụn, viêm màng bụng, viêm màng não, viêm màng mạch-võng mạc.
Biểu hiện của giang mai bẩm sinh muộn ở trẻ > 2 tuổi bao gồm: viêm mắt, tai, khớp, dị dạng xương và các di chứng do các thương tổn của giang mai bẩm sinh sớm.
Tuy nhiên, rất nhiều trẻ sơ sinh bị giang mai mà không có các dấu hiệu, triệu chứng rõ ràng, điển hình.
2.3. Chẩn đoán xác định
Giang mai mắc phải
Người bệnh được chẩn đoán xác định giang mai khi có kết quả dương tính với 01 xét nghiệm huyết thanh đặc hiệu (bao gồm cả xét nghiệm nhanh) và 01 xét nghiệm huyết thanh không đặc hiệu. Việc lựa chọn và phối hợp xét nghiệm đặc hiệu và không đặc hiệu phụ thuộc vào sự sẵn có của các xét nghiệm này tại mỗi cơ sở y tế.
Ngoài ra có thể dựa vào các xét nghiệm trực tiếp như kính hiển vi nền đen, xét nghiệm kháng thể huỳnh quang trực tiếp và xét nghiệm khuếch đại gen.
Giang mai bẩm sinh
Tất cả trẻ sinh ra từ những bà mẹ có kết quả huyết thanh giang mai dương tính, cần được khám và làm xét nghiệm để tìm bằng chứng giang mai bẩm sinh. Đối với trẻ sinh ra từ mẹ bị giang mai nhưng không được điều trị đầy đủ ít nhất 30 ngày trước khi sinh hoặc không được điều trị, cần được xét nghiệm ngay ở thời điểm mới sinh ra và hàng tháng trong vòng 3-4 tháng cho đến khi khẳng định về mặt huyết thanh là âm tính. Một số trường hợp kháng thể thụ động từ mẹ có thể tồn tại tới 18 tháng. Vì vậy, nếu xét nghiệm huyết thanh của trẻ vẫn dương tính và hiệu giá kháng thể tăng ≥ 4 lần hiệu giá kháng thể của mẹ thì trẻ cần được điều trị giang mai bẩm sinh.
Trẻ sinh ra dưới 2 tuổi có mẹ bị giang mai được chẩn đoán giang mai bẩm sinh khi có triệu chứng lâm sàng của giang mai bẩm sinh hoặc có xét nghiệm giang mai dương tính, bao gồm một trong những xét nghiệm sau:
- Xét nghiệm tìm xoắn khuẩn trên kính hiển vi nền đen hoặc xét nghiệm kháng thể huỳnh quang trực tiếp: thấy sự có mặt của T. pallidum. Bệnh phẩm lấy từ dây rốn, nhau thai, dịch tiết từ mũi hoặc tổn thương da.
- Xét nghiệm huyết thanh không đặc hiệu dương tính và có hiệu giá kháng thể cao gấp ³ 4 lần hiệu giá kháng thể của mẹ.
Trong một số trường hợp giang mai bẩm sinh, có thể phối hợp X-quang để xác định chẩn đoán.
2.4. Chẩn đoán phân biệt
Tuỳ thuộc vào biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân.
Chẩn đoán phân biệt săng/loét giang mai:
- Loét ở sinh dục: nhiễm herpes simplex sinh dục, hạ cam, loét áp sinh dục, chấn thương, ung thư.
- Loét ở hậu môn: nhiễm herpes simplex hậu môn-sinh dục, nứt kẽ hậu môn, chấn thương, nhiễm khuẩn khác.
- Loét ở miệng: herpes simplex miệng, loét áp, chấn thương.
Chẩn đoán phân biệt đào ban giang mai: dị ứng thuốc, vảy phấn hồng, vảy nến, chàm/viêm da cơ địa.
Chẩn đoán phân biệt sẩn sùi giang mai (condylomata lata): sùi mào gà và các bệnh lý hạt cơm khác.
3. Điều trị giang mai
3.1. Nguyên tắc điều trị
Lựa chọn phác đồ điều trị dựa vào giai đoạn bệnh: giang mai sớm (≤ 2 năm) hay giang mai muộn (> 2 năm hoặc không xác định thời gian).
Bạn tình hiện tại và trong vòng 1 năm cần được đi khám, làm xét nghiệm giang mai và điều trị nếu mắc bệnh.
Chủ yếu điều trị ngoại trú, chỉ điều trị nội trú trong trường hợp giang mai thời kỳ III (có biểu hiện tim mạch và thần kinh) và giang mai bẩm sinh.
3.2. Điều trị cụ thể
Đối với bệnh nhân người lớn và vị thành niên
Phác đồ ưu tiên | Phác đồ thay thế | |
Giang mai sớm (≤ 2 năm) | Benzathin penicillin 2,4 triệu đơn vị, tiêm bắp sâu, liều duy nhất
| Trong trường hợp không có benzathin penicillin, thay thế bằng phác đồ sau: - Procain penicillin 1,2 triệu đơn vị, tiêm bắp sâu, 1 lần/ngày, trong 10-14 ngày. Nếu không có procain penicillin hoặc bệnh nhân có tiền sử dị ứng với penicillin → lựa chọn một trong các phác đồ sau: - Doxycyclin 100mg, uống 2 lần/ ngày, trong 14 ngày; - Ceftriaxon 1g, tiêm bắp sâu, 1 lần/ ngày, trong 10-14 ngày; - Azithromycin 2g, uống liều duy nhất. |
Giang mai muộn (>2 năm hoặc không rõ thời gian mắc) | Benzathin penicillin 2,4 triệu đơn vị, tiêm bắp sâu, 1 lần/ tuần trong 3 tuần liên tiếp, thời gian giữa 2 lần tiêm không quá 14 ngày
| Trong trường hợp không có benzathin penicillin, thay thế bằng phác đồ sau: - Procain penicillin 1,2 triệu đơn vị, tiêm bắp sâu, 1 lần/ngày, trong 20 ngày. Nếu không có procain penicillin hoặc bệnh nhân có tiền sử dị ứng với penicillin → lựa chọn phác đồ sau: - Doxycyclin 100mg, uống 2 lần/ ngày, trong 30 ngày |
Các trường hợp đặc biệt
a) Phụ nữ có thai
Phác đồ ưu tiên | Phác đồ thay thế | |
Giang mai sớm (≤2 năm) | Benzathin penicillin 2,4 triệu đơn vị, tiêm bắp sâu, liều duy nhất
| Nếu không có benzathin penicillin, có thể thay bằng các phác đồ sau: - Procain penicillin 1,2 triệu đơn vị, tiêm bắp sâu, 1 lần/ngày, trong 10 ngày Nếu không có procain penicillin hoặc bệnh nhân có tiền sử dị ứng với penicillin → lựa chọn một trong các phác đồ sau: - Erythromycin 500mg, uống 4 lần/ ngày, trong 14 ngày - Ceftriaxon 1g, tiêm bắp sâu, 1 lần/ ngày, trong 10-14 ngày - azithromycin 2g, uống liều duy nhất |
Giang mai muộn (> 2 năm hoặc không biết chính xác thời gian mắc)
| Benzathin penicillin 2,4 triệu đơn vị, tiêm bắp sâu, 1 lần/ tuần trong 3 tuần liên tiếp, thời gian giữa 2 lần tiêm không quá 14 ngày
| Nếu không có benzathin penicillin, có thể thay bằng các phác đồ sau: - Procain penicillin 1,2 triệu đơn vị, tiêm bắp sâu, 1 lần/ngày, trong 20 ngày. Nếu không có procain penicillin hoặc bệnh nhân có tiền sử dị ứng với penicillin → lựa chọn phác đồ sau: - Erythromycin 500mg, uống 4 lần/ ngày, trong 30 ngày |
Lưu ý:
Erythromycin, azithromycin là những thuốc không đi qua nhau thai nên trẻ có mẹ giang mai mới sinh ra cần được điều trị ngay theo phác đồ dưới đây.
Doxycyclin chống chỉ định cho phụ nữ mang thai vì có thể gây ra biến chứng bất lợi nghiêm trọng cho thai nhi.
b) Giang mai bẩm sinh
Chỉ định điều trị:
- Giang mai bẩm sinh được chẩn đoán xác định.
- Trẻ sơ sinh không có biểu hiện lâm sàng, nhưng có mẹ bị giang mai chưa được điều trị hoặc điều trị chưa đầy đủ hoặc điều trị muộn (trong vòng 30 ngày trước khi sinh) hoặc điều trị với phác đồ không dùng penicillin, không theo hướng dẫn điều trị cho phụ nữ mang thai ở mục 3.2.2.
Phác đồ điều trị: lựa chọn một trong các phác đồ sau
- Benzyl penicillin 100.000 – 150.000 đơn vị/kg/ngày, tiêm tĩnh mạch chậm trong 10-15 ngày
- Procain penicillin 50.000 đơn vị /kg/ngày, tiêm bắp 10-15 ngày.
Nên ưu tiên dùng phác đồ benzyl penicillin hơn phác đồ procain penicillin nếu có thể tiêm tĩnh mạch.
Trẻ sơ sinh không có triệu chứng lâm sàng và mẹ đã được điều trị giang mai đầy đủ, không có dấu hiệu tái nhiễm, chỉ cần theo dõi chặt chẽ. Nguy cơ lây truyền giang mai từ mẹ sang con phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm hiệu giá kháng thể xét nghiệm không đặc hiệu của mẹ (ví dụ: RPR), thời gian điều trị và giai đoạn bệnh của mẹ. Nếu cần điều trị, sử dụng phác đồ:
Benzathin penicillin G 50.000 đơn vị/kg/ngày, tiêm bắp, liều duy nhất.
4. Phòng bệnh giang mai
Xét nghiệm giang mai cho tất cả phụ nữ mang thai vào lần khám thai đầu tiên sử dụng test nhanh giang mai để phát hiện, điều trị sớm, ngăn ngừa lây truyền giang mai từ mẹ sang con.
Quan hệ tình dục an toàn.
Các thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thể thay thế chẩn đoán y khoa. Nếu bạn có những vấn đề về sức khỏe cần được tư vấn, liên hệ đội ngũ Bác sĩ của chúng tôi thông qua HOTLINE hoặc ứng dụng MEDIGO.
Trải nghiệm ngay các tiện ích trên ứng dụng chăm sóc sức khỏe từ xa MEDIGO. Tải App TẠI ĐÂY.
Đánh giá bài viết này
(8 lượt đánh giá).Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm