Nhiễm trùng tiểu: Nguyên nhân, chẩn đoán, điều trị
Ngày cập nhật
BS.CKI TRƯƠNG VĨNH THÁI
Đã kiểm duyệt ngày 07/03/2024
Chuyên khoa: Đa khoa-Nội tổng quát-Thận tiết niệu
Nhiễm trùng tiểu là gì?
Nhiễm trùng tiểu (Urinary Tract Infection – UTI) hay còn gọi là nhiễm khuẩn đường tiết niệu (NKĐTN) là một trong những bệnh nhiễm trùng phổ biến nhất với một gánh nặng tài chính đáng kể cho xã hội.
Nhiễm trùng đường tiết niệu là tình trạng viêm nhiễm ở bất kỳ bộ phận nào của hệ tiết niệu – thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo.
Vi khuẩn có thể xâm nhập đường tiết niệu bằng đường máu hoặc bạch huyết, nhưng có nhiều chứng cứ lâm sàng và chứng cứ thực nghiệm cho thấy rằng có sự đi lên của vi khuẩn từ niệu đạo và là con đường phổ biến nhất dẫn đến NKĐTN, đặc biệt là các sinh vật có nguồn gốc từ đường ruột.
Bệnh có thể được chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu không phát hiện và điều trị dứt điểm, tình trạng viêm nhiễm có thể gây nên nhiều biến chứng
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân nhiễm trùng tiểu
- Vi khuẩn: Escherichia coli (E. coli) gây nên 90% trường hợp NTĐT.
- Các vi khuẩn khác gây NTĐTN bao gồm Proteus, Klebsiella...
- Virus, nấm…
Yếu tố nguy cơ:
- Tắt nghẽn đường ra của bàng quang do sỏi.
- Rối loạn chức năng bàng quang ví dụ chấn thương cột sống, bàng quang thần kinh…
- Những dị tật đường tiết niệu như trào ngược bàng quang niệu quản… hẹp niệu đạo do bẩm sinh hoặc do chấn thương, hẹp bao quy đầu.
- Suy giảm miễn dịch, đái tháo đường.
- Bất động lâu ngày (chấn thương, bại liệt).
- Uống ít nước, táo bón, vệ sinh không đúng cách.
- Thủ thuật thông tiểu cũng là yếu tố nguy cơ gây bệnh. Nếu ống thông lưu càng lâu ngày thì nguy cơ mắc bệnh càng cao.
- Ngoài ra, nhiễm trùng tiểu thường gặp ở nữ nhiều hơn nam do: niệu đạo ngắn, hoạt động tình dục, biện pháp tránh thai, mãn kinh, sinh sản…
Phân loại nhiễm trùng đường tiết niệu
- Nhiễm trùng đường tiểu được phân thành:
- Nhiễm trùng đường tiểu dưới (còn gọi là viêm bàng quang)
- Nhiễm trùng đường tiểu trên (còn gọi là viêm thận-bể thận cấp) có thể do nhiễm trùng ngược dòng từ bàng quang lên hoặc do từ dòng máu.
- NTĐTN không triệu chứng: không có triệu chứng lâm sàng, cấy nước tiểu 2 lần đều thấy vi khuẩn niệu dương tính.
- Ngoài ra còn phân biệt NTĐTN phức tạp và không phức tạp.
Chẩn đoán nhiễm trùng tiểu thế nào?
- Lâm sàng: khi có các biểu hiện tiểu gắt, tiểu buốt, tiểu khó, mót tiểu, tiểu nhiều lần, tiểu đục, tiểu máu, có mùi hôi,…kèm hoặc không kèm sốt ớn lạnh, đau hông lưng. Một số trường hợp không có triệu chứng rõ ràng.
- Tổng phân tích nước tiểu: bác sĩ sẽ yêu cầu lấy mẫu nước tiểu của người bệnh để phân tích trong phòng xét nghiệm nhằm tìm ra các bất thường. Đây là xét nghiệm cơ bản, dễ thực hiện. Gợi ý nhiễm trùng tiểu khi có bạch cầu, hồng cầu, thể nitrit trong nước tiểu.
- Cấy nước tiểu: chẩn đoán và xác định vi khuẩn để điều trị thích hợp. Cách lấy nước tiểu đúng: lấy nước tiểu giữa dòng, lấy nước tiểu trực tiếp từ bàng quang qua sonde tiểu hoặc chọc qua da trên xương mu.
- Chẩn đoán hình ảnh: Một số trường hợp cần làm thêm siêu âm, Xquang, CT Scan, MRI hay nội soi bàng quang để chẩn đoán, tìm nguyên nhân và điều trị.
Điều trị nhiễm trùng tiểu
Nói chuyện với bác sĩ hoặc đi khám nếu có các triệu chứng của nhiễm trùng tiểu hoặc bất kỳ triệu chứng nào nghiêm trọng hoặc đáng lo ngại về đường tiết niệu.
Dùng thuốc kháng sinh do bác sĩ kê đơn tại nhà có thể điều trị hầu hết các bệnh nhiễm trùng tiểu. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể cần điều trị tại bệnh viện.
Không nên tự ý mua thuốc vì có thể điều trị không thích hợp và không đủ liều lượng, thời gian. Vi khuẩn gây nhiễm trùng tiểu và thuốc kháng sinh là thuốc cơ bản để điều trị chúng. Tuy nhiên, bất cứ khi nào bạn dùng thuốc kháng sinh, chúng đều có thể gây ra tác dụng phụ. Ngoài ra, việc lạm dụng kháng sinh dễ dẫn đến tình trạng kháng thuốc trong cộng đồng.
Đôi khi các bệnh khác, chẳng hạn như các bệnh lây truyền qua đường tình dục, có các triệu chứng tương tự như nhiễm trùng tiểu. Vì vậy, cần khám bác sĩ để được xác định chính xác chẩn đoán và điều trị tốt nhất.
Các bước điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu
Dự phòng nhiễm trùng tiểu
Việc phòng bệnh bao giờ cũng đơn giản và hiệu quả hơn chữa bệnh. Một số lưu ý có thể phòng tránh nhiễm trùng tiểu:
- Uống đủ nước: Uống đủ nước giúp cơ thể khỏe mạnh và giúp nước tiểu loãng. Điều đó dẫn đến việc đi tiểu thường xuyên hơn - cho phép vi khuẩn được đẩy ra khỏi đường tiết niệu trước khi nhiễm trùng có thể bắt đầu.
- Tránh nhịn tiểu: Khi nhịn tiểu sẽ giúp vi khuẩn có thời gian và yếu tố thuận lợi sinh sôi.
- Đi tiểu và vệ sinh sạch sẽ trước và sau khi sinh hoạt tình dục giúp bảo vệ cho bạn và cả bạn tình.
- Hạn chế tối đa việc thụt rửa, xịt hoặc bôi phấn ở vùng sinh dục. Tắm vòi hoa sen thay vì tắm bằng bồn.
- Dạy bé gái khi tập ngồi bô phải lau từ trước ra sau. Nó giúp ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn từ hậu môn sang âm đạo và niệu đạo.
- Điều trị sớm các bệnh lý hay dị tật bẩm sinh là yếu tố nguy cơ gây nhiễm trùng tiểu cũng như bác sĩ sẽ có các biện pháp dự phòng nhiễm trùng tiểu cho bệnh nhân đang nằm viện hay cần đặt ống thông tiểu.
Tài liệu tham khảo
- Hội tiết niệu Thận học việt Nam, Hướng dẫn điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu, 2021
- Bộ Y tế, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh về thận - tiết niệu,2015
- Urinary Tract Infection | Antibiotic Use | CDC
- Urinary tract infection (UTI) - Symptoms and causes - Mayo Clinic
Đánh giá bài viết này
(3 lượt đánh giá).Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm