lcp

Thuốc chống dị ứng uống nhiều có hại không

4.6

Ngày cập nhật

Chia sẻ:

doctor avatar

BS.CKI TRƯƠNG VĨNH THÁI

Đã kiểm duyệt ngày 07/03/2024

Chuyên khoa: Đa khoa-Nội tổng quát-Thận tiết niệu

Thuốc chống dị ứng uống nhiều có hại không? Cùng khám phá câu trả lời trong bài viết sau

1. Dị ứng là gì?

Dị ứng là hệ quả của sự phản ứng quá mức của hệ miễn dịch đối với các tác nhân lạ xâm nhập vào cơ thể. Theo lẽ thường, hệ miễn dịch đóng vai trò như tuyến phòng thủ bảo vệ cơ thể trước những yếu tố gây hại như vi khuẩn, virus, nấm… Tuy nhiên có những trường hợp hệ miễn dịch lại lầm tưởng những tác nhân lạ là mầm bệnh nguy hiểm nên đã tấn công chúng quá mức dẫn đến phản ứng dị ứng.

Những tác nhân gây dị ứng còn được gọi là dị nguyên, tùy vào cơ địa của mỗi người sẽ bị dị ứng với các dị nguyên khác nhau bao gồm phấn hoa, côn trùng cắn, ong đốt, bụi bặm, lông thú cưng, cao su, thuốc, thực phẩm…

Các triệu chứng do dị ứng gây nên có thể theo mức độ từ nhẹ đến nặng khiến bệnh nhân cảm thấy khó chịu và thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng đối với những ca dị ứng nghiêm trọng. Vì vậy thuốc chống dị ứng là giải pháp cần thiết để đẩy lùi các triệu chứng nguy hiểm của tình trạng dị ứng.  

2. Nguyên nhân gây dị ứng

Gồm 2 tác nhân: Yếu tố ngoại sinh và yếu tố nội sinh

  • Yếu tố ngoại sinh: là các tác nhân từ môi trường bên ngoài tác động vào cơ thể như bụi bẩn, phấn hoa, hóa chất, thuốc… Cơ thể cũng có thể nhiễm các tác nhân dị ứng gây nhiễm trùng như vi khuẩn, virus, nấm.
  • Yếu tố nội sinh: là các tác nhân dị ứng hình thành từ bên trong cơ thể. Trong điều kiện nhất định, một số loại protein trong cơ thể biến thành các protein lạ. Chúng kích thích cơ thể xảy ra các phản ứng dị ứng, lúc này còn được gọi là phản ứng tự miễn.

3. Thuốc chống dị ứng là gì? 

Là thuốc nhằm làm thuyên giảm các triệu chứng do dị ứng gây ra. Các thuốc này có chức năng sản sinh các đối kháng để ngăn chặn dị ứng hoặc tránh kích hoạt các tế bào và quá trình dị ứng.

4. Thành phần của thuốc chống dị ứng

uống thuốc chống dị ứng nhiều có hại không

4.1 Thuốc kháng Histamin

Khi nhận diện được các tác nhân lạ có nguy cơ gây hại cho cơ thể, hệ miễn dịch sẽ giải phóng một số loại chất trung gian là Histamin dẫn đến một loạt các biểu hiện dị ứng như sổ mũi, hắt hơi, ngứa mắt…

Có nhiều dạng bào chế thuốc kháng Histamin bao gồm cả thuốc kê đơn lẫn không kê đơn thuộc thế hệ 1 và thế hệ 2. Những thuốc kháng Histamin thế hệ 1 có chung một đặc điểm là thường có tác dụng phụ là gây buồn ngủ khi sử dụng, đồng thời tác dụng trong thời gian ngắn nên phải dùng nhiều lần trong ngày. Vì vậy thuốc được chống chỉ định cho những người vận hành máy móc, lái xe. Bên cạnh tác dụng gây buồn ngủ, thuốc kháng Histamin thế hệ 1 còn có thể khiến bệnh nhân bị chóng mặt, khô miệng, táo bón, bí tiểu, mờ mắt… Thuốc thế hệ 1 gồm có Clorpheniramin, Dimenylhydramin…

Thuốc kháng Histamin thế hệ 2 ra đời như một bước cải tiến mới so với thuốc thế hệ 1 khi đã khắc phục được triệu chứng buồn ngủ do thuốc gây ra, đồng thời giúp giảm thiểu các tác dụng phụ khác (trừ Cetirizin). Nếu dùng các thuốc thế hệ 2 người bệnh có khả năng gặp phải các biểu hiện như khô mũi miệng, đau đầu, khó chịu và buồn nôn… Thuốc thế hệ gồm Cetirizin, Loratadin, Fexofenadin…

4.2 Thuốc Corticosteroid

Nhóm thuốc nằm trong danh mục thuốc kê đơn có tác dụng giảm nhẹ triệu chứng viêm khi cơ thể tiếp xúc với các dị nguyên, bao gồm Mometasone, Fluticasone, Budesonide, Triamcinolone… Những tác dụng không mong muốn bệnh nhân có thể sẽ trải qua khi dùng Corticosteroid dạng xịt đó là kích ứng niêm mạc mũi, hôi miệng, miệng có vị khó chịu, chảy máu mũi…

Thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm nếu bệnh nhân lạm dụng. Vì vậy thuốc chỉ nên được kê đơn và hướng dẫn điều trị bởi bác sĩ, tránh tự ý sử dụng bừa bãi.

4.3 Thuốc thông mũi

Thuốc thông mũi có tác dụng giảm thiểu tình trạng tắc nghẽn các hốc xoang, thông thoáng đường thở nhanh chóng. Cơ thể tác động của loại thuốc này làm co mạch máu mũi nhưng không được chỉ định cho những bệnh nhân bị cường giáp, mắc bệnh tim mạch, tăng huyết áp, Glocom và phụ nữ có thai.

uống thuốc chống dị ứng nhiều có hại không

Thuốc thông mũi bao gồm thuốc kê đơn như Pseudoephedrine chỉ được dùng theo chỉ định của bác sĩ và thuốc không kê đơn như Phenylephrine, Oxymetazoline. Thuốc gồm các dạng bào chế như xịt mũi, dung dịch uống, viên uống, dạng xịt mũi hoặc khí dung.

Cần lưu ý những tác dụng không mong muốn trong quá trình sử dụng thuốc đó là triệu chứng đau đầu, chóng mặt, bồn chồn, lo lắng, khô miệng, khô mũi hay chảy nước mũi, kích ứng mũi, hắt hơi, khó ngủ…

4.4 Thuốc kháng Leukotriene

Tác dụng kiềm chế sự hoạt động quá mức của chất trung gian khác cũng tham gia vào phản ứng gây dị ứng đó là Leukotriene. Một số triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi có thể được cải thiện khi dùng loại thuốc này. Thành phần của nhóm thuốc là Montelukast.

uống thuốc chống dị ứng nhiều có hại không

Một số trường hợp dùng thuốc có thể bị khó ngủ, lo lắng và trầm cảm.

4.5 Thuốc ức chế tế bào Mast

Là loại thuốc chống dị ứng giúp ngăn chặn tế bào Mast giải phóng các chất trung gian kích thích dị ứng vào hệ miễn dịch. Tế bào Mast chính là nơi sản xuất và dự trữ Histamin. Thuốc này phù hợp để dùng cho những người bị ứng mức độ từ nhẹ đến trung bình. Thành phần như Cromolyn, Lodoxamide-tromethamine, Nedocromil, Pemirolast.

Thuốc ổn định tế bào Mast được đánh giá là tương đối an toàn nhưng phải dùng đủ liều trong nhiều ngày để đạt được hiệu quả điều trị.

4.6 Tiêm Epinephrine

Phương pháp dùng thuốc tiêm Epinephrine (hay Adrenalin) sẽ được ứng dụng ở những ca bị dị ứng nghiêm trọng nguy hiểm đến tính mạng như sốc phản vệ, sưng họng, khó thở, phát ban, nổi mề đay nặng và mạch yếu. 

uống thuốc chống dị ứng nhiều có hại không

5. Uống thuốc chống dị ứng nhiều có hại không?

Với các trường hợp bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng dị ứng thường xuyên, người bệnh uống thuốc dị ứng thường xuyên hơn với mong muốn sẽ giảm nhẹ các triệu chứng. Ngoài hiệu quả khi dùng thuốc dị ứng cần phải chú ý một số tác dụng phụ của thuốc và việc uống thuốc chống dị ứng quá nhiều có thể làm tăng tần suất gặp tác dụng không mong muốn như:

Tình trạng buồn ngủ: Mức độ từ ngủ gà đến ngủ sâu. Vì vậy khi sử dụng thuốc chống dị ứng những người làm công việc cần tập trung cao độ và đòi hỏi sự an toàn như lái xe, thợ điện, làm việc trên cao,... cần hết sức thận trọng.

uống thuốc chống dị ứng nhiều có hại không

Gây bí tiểu: Thuốc có thể làm bí đường tiểu tiện. Đặc biệt những người bị bệnh phì đại tuyến tiền liệt, tắc đường niệu nên cân nhắc trước khi sử dụng.

Ngoài ra, một số thuốc gây hoa mắt, chóng mặt, nhìn mờ và suy giảm tâm thần vận động…

6. Lưu ý khi dùng các thuốc chống dị ứng

Khi sử dụng thuốc chống dị ứng kê đơn hay không kê đơn thì cũng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ và dược sĩ. Trước khi dùng thuốc hãy đọc kỹ hướng dẫn do nhà sản xuất cung cấp để biết được cách dùng, cách đối phó với những tác dụng phụ có thể gặp phải.

Nếu bạn đang mắc các bệnh lý về huyết áp hoặc tim mạch… thì cần thông báo cho bác sĩ về tình hình sức khỏe và bệnh sử của mình. Không được tự ý dùng thuốc để tránh làm nghiêm trọng thêm triệu chứng dị ứng cũng như bệnh nền sẵn có.

Khi đã được bác sĩ chỉ định dùng thuốc, bạn cần tuân thủ theo hướng dẫn sử dụng, không tự ý đổi thuốc, thay đổi liều lượng hay lạm dụng thuốc. Khi đã dùng hết thuốc thì không mua tiếp để dùng theo đơn cũ hoặc dùng đơn thuốc của người khác để tránh gặp phải tác dụng phụ nguy hiểm.

Một số loại thuốc không nên dùng ban ngày: Thuốc chống dị ứng thế hệ 1 như Clorpheniramin thì không nên dùng ban ngày vì chúng dễ thấm vào thần kinh trung ương, có nguy cơ gây buồn ngủ. Bạn nên uống vào buổi tối, khi không phải làm việc.

Ngộ độc do quá liều: Vì lý do dị ứng gây ngứa râm ran khắp người nên một phản xạ là dùng nhiều thuốc chống dị ứng liều cao cho đỡ ngứa. Biểu hiện của ngộ độc là khô miệng, nháy mắt liên tục. Liều khuyên dùng của thuốc chống dị ứng với các thuốc thế hệ 2 là chỉ dùng 1 viên/ngày, dùng quá 4 viên/ngày rất nguy hiểm.

uống thuốc chống dị ứng nhiều có hại không

Không trộn nhiều loại thuốc chống dị ứng: Các thuốc chống dị ứng dù có các loại khác nhau thì đều có chung một cơ chế tác động đó là tranh chấp vị trí tác động với chất trung gian hóa học gây dị ứng Histamin. Việc tranh chấp với Histamin chỉ phụ thuộc vào nồng độ chất đó cao hay thấp chứ không phụ thuộc vào có nhiều loại thuốc hay ít loại thuốc. Dùng nhiều loại thuốc đã không tạo ra hiệu quả tăng hơn mà lại còn làm nặng nề thêm chuyển hóa cho gan.

Không uống chung với thuốc trị nấm: Thuốc chống dị ứng không nên dùng với thuốc trị nấm như Itraconazole hay Ketoconazole. Vì thuốc chống dị ứng ức chế hoạt động của enzyme chuyển hóa thuốc chống nấm tại gan nên thuốc chống nấm sẽ chậm được chuyển hóa và chậm bị đào thải. Dẫn đến bị ngộ độc thuốc trị nấm ở ngay liều điều trị an toàn, nhất là những người phải dùng thuốc trị nấm kéo dài.

Hạn chế tối đa dùng cho trẻ em: Đặc biệt thuốc thế hệ 1 như Clorpheniramin thấm vào thần kinh trung ương ở não nên làm ức chế sự phát triển của não bộ ảnh hưởng tới quá trình hình thành tư duy ở trẻ. Với trẻ em đến trường, thuốc làm giảm khả năng tập trung, giảm khả năng tiếp nhận, giảm khả năng tư duy nên hiệu quả học tập giảm sút.

7. Biện pháp phòng chống dị ứng

Rửa mũi là lựa chọn đơn giản, dễ thực hiện để rửa sạch các chất gây dị ứng và chất nhầy ra khỏi mũi, giúp việc hít thở dễ dàng hơn. Bạn hãy xịt rửa mũi bằng nước muối sinh lý để loại bỏ các chất gây dị ứng như phấn hoa, bụi ra khỏi mũi. 

Ăn uống lành mạnh, bổ sung nhiều chất xơ, rau xanh, dinh dưỡng cho cơ thể. 

uống thuốc chống dị ứng nhiều có hại không

Những người bị dị ứng thực phẩm cần ghi lại nhật ký ăn uống và tránh đồ ăn có thể gây dị ứng và cân bằng chế độ ăn bằng các thực phẩm thay thế. 

Cho con bú bằng sữa mẹ trong thời gian sau sinh cũng sẽ giúp trẻ hạn chế được dị ứng.

Do các chứng bệnh dị ứng là liên quan đến nhiều yếu tố, chủ yếu do di truyền, cơ địa, tác nhân môi trường nên thường phải sống chung với bệnh, khó có loại thuốc nào điều trị dứt điểm viêm mũi dị ứng. Vì thế, chúng ta nên đi khám để được tư vấn thêm các biện pháp nâng cao thể trạng, tăng sức đề kháng, loại trừ các tác nhân gây bệnh.

Các thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thể thay thế chẩn đoán y khoa. Nếu bạn có những vấn đề về sức khỏe cần được tư vấn, liên hệ đội ngũ Bác sĩ của chúng tôi thông qua HOTLINE hoặc ứng dụng MEDIGO

Trải nghiệm ngay các tiện ích trên ứng dụng chăm sóc sức khỏe từ xa MEDIGO. Tải App TẠI ĐÂY.

Đánh giá bài viết này

(11 lượt đánh giá).
4.6
1 star2 star3 star4 star5 star

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm