Những điều phải biết khi sử dụng thuốc chống dị ứng
Ngày cập nhật
BS.CKI TRƯƠNG VĨNH THÁI
Đã kiểm duyệt ngày 07/03/2024
Chuyên khoa: Đa khoa-Nội tổng quát-Thận tiết niệu
1. Tìm hiểu về các nhóm thuốc chống dị ứng thường gặp
Các thuốc chống dị ứng có thể thuộc danh mục thuốc kê đơn hoặc không kê đơn, dùng để điều trị nguyên nhân và triệu chứng của bệnh dị ứng. Một số triệu chứng thường gặp của dị ứng bao gồm:
- Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi.
- Ngứa tai hoặc miệng.
- Ngứa mắt kèm chảy nước mắt.
- Nổi mề đay, phát ban trên bề mặt da, da ửng đỏ.
- Sưng lưỡi, môi, mắt hoặc các bộ phận khác.
- Rối loạn tiêu hóa.
Một số nhóm thuốc chống dị ứng thường được sử dụng bao gồm:
- Thuốc kháng histamin: Thuốc kháng histamin là nhóm thuốc kinh điển dùng để điều trị dị ứng, thuốc được bào chế dưới nhiều dạng khác nhau như: Thuốc viên, dung dịch thuốc, thuốc xịt mũi và thuốc nhỏ mắt. Thuốc điều trị được nhiều tình trạng dị ứng như viêm mũi dị ứng theo mùa/thời tiết, dị ứng do ăn hải sản... Thuốc kháng Histamin thế hệ 1 có thể gây ra tác dụng phụ là buồn ngủ bao gồm các thuốc: Diphenhydramin, Clorpheniramin. Nhóm thuốc kháng Histamin thế hệ 2 không gây ra buồn ngủ nên thường được ưu tiên trong sử dụng hơn như: Cetirizine, Desloratadine, Loratadin, Fexofenadin, Levocetirizin.
- Thuốc thông mũi: Một số thuốc làm thông mũi hay được sử dụng như: Pseudoephedrine, Phenylephrine, Oxymetazoline thường được kê đơn cùng thuốc kháng Histamin để điều trị dị ứng. Thuốc thông mũi cũng có thể gây các tác dụng phụ mất ngủ hoặc khó chịu, ngoài ra còn có thể làm tăng huyết áp của người bệnh.
- Thuốc chống dị ứng kết hợp: Đây là sự kết hợp các hoạt chất của cả thuốc thông mũi và thuốc kháng Histamin. Các thuốc chống dị ứng kết hợp có nhiều tác dụng trong điều trị dị ứng, bao gồm các thuốc như: cetirizine và Pseudoephedrine, diphenhydramine và Pseudoephedrine, loratadin và Pseudoephedrin…
- Thuốc xịt mũi kháng cholinergic: Thuốc được chỉ định để điều trị sổ mũi theo cơ chế ngừng sản xuất chất nhầy. Hiện nay, chỉ có một thuốc xịt mũi kháng cholinergic được sử dụng là Ipratropium bromide. Thuốc có thể gây khô mũi, từ đó dẫn đến chảy máu cam hoặc kích ứng. Ngoài ra khi sử dụng thuốc còn gây ra các tác dụng phụ như đau đầu, đau bụng, đau họng.
- Corticosteroid: Thuốc chống viêm corticosteroid giúp làm giảm viêm và các triệu chứng liên quan đến tình trạng dị ứng. Thuốc corticosteroid được sử dụng để làm giảm triệu chứng hắt hơi và ngứa, chảy nước mũi, nghẹt mũi do viêm mũi dị ứng quanh năm/theo mùa. Thuốc có thể được bào chế ở dạng thuốc viên để uống, dạng xịt, thuốc hít, kem bôi da, thuốc nhỏ mắt…Tùy vào từng bệnh lý mà được kê đơn sử dụng các loại thuốc khác nhau. Khi sử dụng Corticosteroid gây ra nhiều tác dụng phụ, đặc biệt khi dùng thuốc trong một thời gian dài. Một số tác dụng phụ khi dùng corticoid đường uống bao gồm: tăng cân, phù, huyết áp cao, đái tháo đường, đục thủy tinh thể, ức chế tăng trưởng, loãng xương, yếu cơ. Tác dụng phụ của corticoid dạng hít nhẹ nhàng hơn đường uống, gồm một số triệu chứng như ho, khàn giọng, nấm miệng.
- Thuốc ổn định tế bào mast: Thuốc ổn định tế bào mast có tác dụng ngăn chặn việc giải phóng histamin từ tế bào mast, thông qua đó làm giảm triệu chứng của dị ứng. Một số thuốc ổn định tế bào mast bao gồm: Lodoxamide-tromethamine, Cromolyn, Nedocromil, Pemirolast…Tác dụng phụ của nhóm thuốc ổn định tế bào mast gồm có: kích ứng cổ họng, ho hoặc phát ban.
- Thuốc kháng Leukotriene: Thuốc làm ngăn chặn tác dụng của leukotriene-chất trung gian hóa học gây ra các triệu chứng của viêm mũi dị ứng.
- Một số loại thuốc đơn giản thường được sử dụng hàng ngày để điều trị các triệu chứng dị ứng như: Dung dịch nước muối sinh lý làm giảm nghẹt mũi nhẹ, Nước mắt nhân tạo có tác dụng điều trị ngứa mắt, đỏ mắt và chảy nước mắt.
2. Giải đáp một số câu hỏi khi sử dụng thuốc chống dị ứng
Một số câu hỏi thường gặp khi sử dụng thuốc chống dị ứng
2.1 Thuốc chống dị ứng uống khi nào?
Thuốc chống dị ứng được sử dụng khi bạn có các triệu chứng của dị ứng và được bác sĩ kê đơn (nếu thuộc danh mục thuốc kê đơn). Tùy vào tình trạng và loại bệnh dị ứng mà bạn sẽ được kê các thuốc khác nhau, sử dụng đường uống, dạng xịt, dạng hít hoặc thuốc dạng dung dịch. Ví dụ như cách tốt nhất để ngăn ngừa các triệu chứng do bệnh lý dị ứng theo mùa là bắt đầu dùng thuốc vài tuần trước khi mùa dị ứng bắt đầu và tiếp tục dùng thuốc hàng ngày. Nên điều trị sớm các triệu chứng dị ứng của bạn vì nếu để lâu có thể chuyển biến nặng và gây ra các biến chứng nguy hiểm hơn.
2.2 Thuốc chống dị ứng uống bao lâu có tác dụng?
Tùy vào loại thuốc chống dị ứng bạn sử dụng mà thời gian thể hiện tác dụng có thể sớm trong vài giờ hoặc muộn trong vài ngày. Trong các hoạt chất của thuốc chống dị ứng có thuốc kháng Histamin thế hệ 2 Loratadin cho hiệu quả tác dụng nhanh trong khoảng thời gian từ 1-3 giờ, thuốc đạt hiệu quả cao nhất sau khoảng 8-12 giờ sử dụng. Thuốc xịt mũi corticoid có thể mất vài ngày để phát huy tác dụng.
Loratadin là thuốc kháng Histamin thế hệ 2, thường được ưu tiên sử dụng trong điều trị các triệu chứng của dị ứng
2.3 Thuốc chống dị ứng uống trong bao lâu?
Uống thuốc chống dị ứng trong bao lâu cũng tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý dị ứng của bạn. Ví dụ như thuốc kháng histamin bạn có thể sử dụng hàng ngày trong suốt mùa dị ứng, thuốc thông mũi không sử dụng quá 7 ngày nếu không sẽ nhờn thuốc, thuốc corticoid dạng uống không nên lạm dụng sử dụng dài do sẽ gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng…
2.4 Thuốc dị ứng uống trước hay sau ăn?
Thông thường, các loại thuốc chống dị ứng không bị ảnh hưởng bởi thức ăn nên có thể uống trước-trong-sau bữa ăn. Dược sĩ/bác sĩ thường khuyên dùng thuốc sau bữa ăn để tăng tuân thủ sử dụng thuốc trong điều trị dị ứng.
2.5 Uống thuốc dị ứng nhiều có sao không?
Thuốc dị ứng ngoài tác dụng giúp làm giảm các triệu chứng dị ứng còn có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn khác. Ví dụ như khi bạn sử dụng thuốc kháng Histamin thế hệ 1 nhiều gây ra tình trạng buồn ngủ ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc hàng ngày. Khi sử dụng corticoid đường uống nhiều gây ra các tác dụng không mong muốn nặng nề như tăng cân, phù, đái tháo đường, tăng huyết áp, đục thủy tinh thể, loãng xương, yếu cơ, ức chế tăng trưởng…
2.6 Trẻ uống thuốc dị ứng nhiều có sao không?
Trẻ em là đối tượng sử dụng thuốc đặc biệt do các cơ quan trong cơ thể chưa phát triển hoàn thiện và dễ gây ra các biến chứng nguy hiểm. Một số loại thuốc chống dị ứng không được sử dụng cho trẻ em do nguy cơ gặp tác dụng phụ lớn. Khi sử dụng thuốc chống dị ứng cho trẻ em bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ, dược sĩ để lựa chọn được loại thuốc điều trị phù hợp, hạn chế gây ra các tác dụng phụ. Thuốc kháng histamin thế hệ 2 ít gây ra các tác dụng phụ và thường không gây buồn ngủ. Do đó, nhóm thuốc này được các chuyên gia khuyên dùng để điều trị cho trẻ em bị dị ứng. Không nên sử dụng thuốc corticoid đường uống cho trẻ em trong điều trị dị ứng vì gây ra rất nhiều hậu quả nghiêm trọng nếu không sử dụng đúng cách.
3. Lưu ý khi sử dụng thuốc chống dị ứng
Để sử dụng thuốc chống dị ứng trong điều trị hiệu quả và ít gây ra các tác dụng phụ, người sử dụng cần tuân thủ một số nguyên tắc sau:
- Không tự ý dùng và sử dụng các loại thuốc chống dị ứng trong thời gian dài mà không có chỉ định của bác sĩ.
- Thuốc chống dị ứng cổ điển (thuốc kháng histamin thế hệ 1) thường có thời gian tác dụng ngắn chỉ khoảng 4-6 giờ nên bạn cần phải uống nhiều lần, thuốc còn gây ra tác dụng phụ là buồn ngủ nên bạn cần lưu ý để không ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống.
Nhóm thuốc chống dị ứng cổ điển có tác dụng gây ra tình trạng buồn ngủ từ ngủ gà đến ngủ sâu ảnh hưởng không nhỏ đến người sử dụng
- Thuốc chống dị ứng thế hệ mới (thuốc kháng histamin thế hệ 2) có tác dụng nhanh và không gây buồn ngủ. Do đó, người sử dụng chỉ cần uống từ 1-2 viên trong ngày.
- Không trộn nhiều loại thuốc chống dị ứng chung với nhau để uống.
- Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để dùng thuốc đúng cách và hạn chế các tác dụng phụ
- Không sử dụng thuốc đã quá hạn hoặc có các dấu hiệu bất thường, hư hỏng
- Khi sử dụng thuốc nếu xảy ra các triệu chứng bất thường liên hệ ngay với bác sĩ, dược sĩ để được xử lý kịp thời .
Medigo app vừa chia sẻ cho bạn những thông tin về giải đáp một số câu hỏi thường gặp khi sử dụng thuốc chống dị ứng. Hy vọng với nội dung bài viết, bạn sẽ có thêm những kiến thức hữu ích về các loại thuốc chống dị ứng, giải đáp được các câu hỏi cũng như lựa chọn được sản phẩm phù hợp và sử dụng đúng cách cũng như ghi nhớ được lưu ý khi sử dụng chúng.
Các thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thể thay thế chẩn đoán y khoa. Nếu bạn có những vấn đề về sức khỏe cần được tư vấn, liên hệ đội ngũ Bác sĩ của chúng tôi thông qua HOTLINE hoặc ứng dụng MEDIGO.
Trải nghiệm ngay các tiện ích trên ứng dụng chăm sóc sức khỏe từ xa MEDIGO. Tải App TẠI ĐÂY.
Đánh giá bài viết này
(11 lượt đánh giá).Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm